Đâu là thước đo tính chuyên nghiệp của ngân hàng?

Mỗi ngân hàng, doanh nghiệp,tổ chức cần xây dựng chiến lược marketing để hoạt động và coi đó như triết lý dẫn dắt toàn bộ hệ thống về mặt hành vi, văn hóa tổ chức.

“Chỗ em sắp vào làm là ngân hàng lớn nên em không phải lo lắng về áp lực doanh số hay chỉ tiêu gì cả. Khách hàng cần ngân hàng chứ ngân hàng cần gì khách hàng”. Đó là tâm sự của một sinh viên khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Em cho biết sắp có “chân” tại một ngân hàng lớn.

Đó cũng là tư duy của rất nhiều sinh viên sắp ra trường đã được người thân “xếp chỗ” làm, hoặc của không ít cán bộ đang làm việc tại một số ngân hàng hiện nay.

Có thể thấy rằng, đó là kiểu suy nghĩ thể hiện những hiểu biết ấu trĩ về cạnh tranh trong công việc, thái độ phục vụ, cũng như xu thế thời đại trong hoạt động kinh doanh.

Đáng lẽ họ phải suy nghĩ theo hướng “khách hàng là thượng đế”, thể hiện việc được phục vụ khách hàng là một vinh hạnh đối với cá nhân hay tổ chức. Bởi đó là cơ sở đầu tiên để đem lại thành công cho hoạt động kinh doanh của một ngân hàng.

Đợt tuyển dụng của một ngân hàng gần đây có một ứng viên cho biết, đã đỗ vào vòng 2 và được hẹn lịch phỏng vấn.

Thời gian là lúc 8h sáng. Các ứng viên khác cũng được hẹn lịch phỏng vấn tương tự.

Việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn bị chậm nên đến 30 phút. Lịch phỏng vấn được thực hiện theo thứ tự ABC. Bạn tôi đứng thứ gần 20, nên nếu mỗi ứng viên phỏng vấn 30 phút thì bạn tôi có thể phải chờ đến 16h mới tới lượt.

Như vậy, vô tình ngân hàng đó đã làm giảm đi sự tôn trọng đối với các ứng viên.

Có lẽ nhiều ứng viên cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với một ngân hàng khi phải chờ đợi khá lâu để đến lượt được phỏng vấn.

Khi được tuyển dụng, liệu những người này có những suy nghĩ quan liêu giống như thế trong các công việc của mình không?

Có ý kiến cho rằng, khi ứng viên thi vào ngân hàng như trên, họ phải xác định bỏ ra một ngày để đến chờ tới lượt thi và đó là sự chứng tỏ mong muốn được làm ở ngân hàng đó.

Cử chỉ thân thiện, khéo léo cùng với khả năng xử lý nghiệp vụ nhanh chóng, chính xác của nhân viên đã thu hút được khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ảnh: TL.

Câu hỏi khác đặt ra là ngân hàng có nên như vậy không, khi nhiều người thi tuyển vào ngân hàng này, nhưng họ cũng đang có công việc tại một doanh nghiệp, ngân hàng khác và phải cố gắng thu xếp để đảm bảo dự tuyển đúng giờ?

Tôi từng đi phỏng vấn ở nhiều chỗ, có những chỗ chỉ là những công ty, tổ chức không lớn, nhưng khi gọi ứng viên đi phỏng vấn thì mỗi ứng viên đều có một khung giờ nhất định.

Ứng viên đó chỉ cần đến đúng khung giờ của mình là có thể đúng giờ phỏng vấn và tôi thấy đó là một sự nhận thức đúng đắn trong việc tôn trọng người khác.

Tôn trọng thời gian, công sức của người khác thì sẽ được người khác tôn trọng lại.

Khi làm việc với ngân hàng hay doanh nghiệp tuyển dụng, họ sẽ có trách nhiệm, nhận thức đúng đắn để thực hiện những gì yêu cầu.

Dạo qua một số phòng giao dịch hay chi nhánh của một số ngân hàng hiện nay, khách hàng có thể nhận thấy ngay sự khác biệt về văn hóa ứng xử của nhân viên các ngân hàng.

Có những ngân hàng tiếp đón khách nồng hậu và chân thành, thể hiện ngay khi khách hàng chuẩn bị bước vào cửa đã có người mở cửa ra và cúi chào.

Sau đó có nhân viên hỏi xem khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ gì để hướng dẫn chu đáo.

Những cử chỉ thân thiện, khéo léo, ăn nói nhẹ nhàng cùng với khả năng xử lý nghiệp vụ của nhân viên một cách nhanh chóng, chính xác đã thu hút được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy một không khí xa lạ ở một số ngân hàng ngay khi bước vào cửa: thái độ tiếp đón thiếu chuyên nghiệp, đôi khi còn gắt gỏng với khách. Đó là chưa kể nhiều cán bộ, nhân viên còn chưa nắm vững nghiệp vụ.

Tại một số ngân hàng, việc bố trí văn phòng rất khoa học, chuyên nghiệp và đẹp mắt nhưng lại thiếu một nhân viên tiếp tân.

Điều này dẫn tới việc khách hàng khi mới bước vào có thể lúng túng khi không biết mình sẽ phải thực hiện giao dịch ở đâu, như thế nào.

Với sự phát triển của nền kinh tế, cùng với dân trí ngày càng cao và sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thì cách thức nhân viên ngân hàng tiếp xúc với khách là một tấm gương phản ánh chất lượng dịch vụ, hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng.

Gần đây có thông tin về việc một số ngân hàng khi đăng tuyển có những có thông tin như là ưu tiên người nhà, ưu tiên họ hàng mình vào làm việc.

Chưa xét đến việc đúng hay sai nhưng khi người người ngoài cuộc nhìn vào sẽ hiểu theo một nghĩa khác: đó có thể là ngân hàng này không dành nhiều cơ hội cho người tài ở bên ngoài.

Khách hàng có quyền đặt ra câu hỏi ngân hàng có nhân sự như thế thì liệu có phải ai cũng có năng lực? Ngân hàng này có tốt không? Có nên sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này không?…

Trong một xã hội văn minh, một tổ chức nên có sự cầu thị đối với những người có năng lực, nhất là những nơi làm việc như ngân hàng, khi mà công nghệ, quy trình và cơ sở vật chất như nhau thì con người là yếu tố quyết định đến sự thành bại.

Vì vậy, thu hút những người có năng lực, có những cơ chế đãi ngộ, khuyến khích, động viên nhân viên, cùng với việc bố trí công việc phù hợp với năng lực nhân viên, nhất là nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách hàng là vấn đề sống còn của mỗi tổ chức, doanh nghiệp hiện nay.

Cạnh tranh để tồn tại và phát triển là vấn đề ngày càng khốc liệt đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp.

Mỗi ngân hàng, doanh nghiệp hay tổ chức cần xây dựng cho mình một chiến lược marketing và coi đó như là một triết lý, dẫn dắt toàn bộ hệ thống về mặt hành vi, văn hóa tổ chức.

Khi đó, hoạt động marketing sẽ là nền tảng cho mọi hành động, nhận thức, suy nghĩ và xúc cảm ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, làm tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tạo thành một văn hóa doanh nghiệp.

Đó chính là giá trị mà mỗi ngân hàng cần phải hướng tới.

Nguyễn Mạnh Hà
GV Khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Công nghiệp Việt – Hung